Leptospira là xoắn khuẩn phổ biến và nó có thể gây bệnh cho người. Đặc biệt, loại xoắn khuẩn này sống rất dai trên đất và nó có thể lan truyền từ lợn hay cá, chim sang con người chúng ta. Nếu như không biết cách phòng ngừa thì sẽ bị xoắn khuẩn này gây hại cho cơ thể. Đồng thời, nếu bị bệnh thì có thể bị sốt, bị vàng da, bị đau nhức cơ hay đau đầu. Thậm chí có trường hợp nguy hiểm thì người bệnh còn bị viêm màng não. Do đó không nên chủ quan với xoắn khuẩn này. Cần lưu ý vệ sinh sạch sẽ nhà ở cũng như tắm cho súc vật nuôi trong gia đình.
Mục lục
Bệnh do xoắn khuẩn Leptospira
Bệnh do xoắn khuẩn Leptospira là bệnh truyền nhiễm do súc vật truyền sang người gây ra các biểu hiện sốt cao, đau đầu và đau cơ. Súc vật truyền bệnh bao gồm: chuột là hay gặp nhất. Ngoài ra chó, lợn, động vật hoang dã, cá, chim cũng có thể truyền bệnh.
Bệnh biểu hiện ở nhiều thể khác nhau trong đó thể nặng biểu hiện vàng da viêm gan, suy chức năng thận và xuất huyết còn gọi là Hội chứng Weil. Điều kiện thích hợp để xoắn khuẩn phát triển lây bệnh đó là môi trường khí hậu nhiệt đới, vệ sinh thấp kém, làm ruộng, trồng rau, chăn nuôi, công nhân làm vệ sinh vét cống, giết mổ gia súc, cá, tắm ở ao hồ tiếp xúc với nước bị nhiễm
Cách lây lan
Bệnh do xoắn khuẩn Leptospira lây truyền như thế nào? Người lây truyền bệnh do tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu, máu, tổ chức của súc vật bị nhiễm bệnh. Bệnh có thể phát triển thành dịch do nước bị nhiễm xoắn khuẩn Leptospira vì xoắn khuẩn thải nước tiểu ra môi trường. Ngoài ra có thể lây truyền từ người sang người, tuy nhiên hiếm gặp.
Leptospira gây tổn thương tế bào nội mạch dẫn đến viêm mạch máu đặc biệt là mao mạch dẫn đến tổn thương ở các cơ quan. Cụ thể:
+ Tại thận xoắn khuẩn xâm nhập vào khoảng kẽ, ống thận gây viêm khoảng kẽ và hoại tử ống thận, suy thận do thiếu nước hoặc tăng thấm thành mạch gây giảm thể tích tuần hoàn.
+ Tại gan xoắn khuẩn làm hoại tử trung tâm tiểu thuỳ, xâm nhập tế bào gan.
+ Tổn thương phổi là hậu quả của xuất huyết. Tổn thương cơ bao gồm sưng phình sợi cơ và hoại tử từng ổ.
+ Trong nhiễm Leptospira thể nặng viêm mạch đặc biệt là mao mạch gây tăng thấm thành mạch, rối loạn vi tuần hoàn dẫn đến thoát dịch giảm thể tích tuần hoàn hậu quả là sốc và trụy mạch.
Biểu hiện của bệnh
Bệnh có thể không có biểu hiện lâm sàng ở một số bệnh nhân. Đa phần là thể nhẹ không có vàng da, có hoặc không viêm màng não, số ít biểu hiện nặng với vàng da đậm.
Các triệu chứng của bệnh xoắn khuẩn Leptospira diễn ra theo 2 giai đoạn.
– Giai đoạn I: kéo dài 5-7 ngày, bắt đầu đột ngột với các triệu chứng bao gồm: Sốt cao, nôn, tiêu chảy, đỏ mắt, đau mỏi cơ, phát ban kèm đau.
– Giai đoạn II: xảy ra 1-2 tuần sau đó với các biểu hiện như: vàng da và mắt, thiểu niệu, vô niệu, rối loạn nhịp tim, biểu hiện viêm màng não.
Cách điều trị bệnh
– Điều trị kháng sinh để tiêu diệt xoắn khuẩn, sử dụng kháng sinh sớm theo đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian dùng để diệt xoắn khuẩn triệt để.
Nhiễm Leptospira thể nặng cần được theo dõi điều trị ở đơn vị hồi sức tích cực. Bù đủ dịch bằng truyền tĩnh mạch đảm bảo khối lượng tuần hoàn, duy trì mạch huyết áp ổn định.
– Trường hợp bệnh nhân vô niệu, suy thận cần chỉ định lọc thận nhân tạo sớm
– Truyền máu toàn phần hoặc khối tiểu cầu trong trường hợp cần thiết theo đúng chỉ định.
– Đảm bảo lưu thông đường hô hấp bằng cách hút đờm dãi, cho bệnh nhân thở oxy, đặt ống nội khí quản và thở máy khi cần thiết.
– Dùng vitamin K, thuốc lợi mật và chống hoại tử tế bào gan nếu cần thiết.
– Thời gian đầu bệnh nhân chỉ cần sử dụng kháng sinh để diệt xoắn khuẩn
Phòng bệnh bằng cách nào?
– Quản lý vật nuôi tránh thải nước tiểu, phân trực tiếp ra cống, ao hồ gây ô nhiễm nước.
– Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho súc vật và giám sát bệnh ở vật nuôi.
– Diệt chuột
– Sử dụng bảo hộ lao động đối với người có nguy cơ cao như đeo găng, đi ủng, đeo kính bơi,..
– Không tắm ở ao hồ
– Tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh Leptospira. Phần lớn người được tiêm đủ có miễn dịch tốt trong 3 năm.
– Có thể dự phòng bằng thuốc kháng dinh theo đúng chỉ định cho những người nghi ngờ nhiễm bệnh khi có dịch.
Thông tin thêm
Leptospira là vi khuẩn rất mảnh có đường kính 0.1 – 0.2 µm, dài 5 – 25 µm. Quan sát vi khuẩn sống dưới kính hiển vi nền đen thấy di động mạnh. Phải nhuộm theo phương pháp Fontana – Tribondeau mới phát hiện được vi khuẩn. Vi khuản này mảnh như sợi tóc, hai đầu cong như móc câu. Và dưới kính hiển vi điện tử phóng đại 10.000 lần thì mới thấy các vòng xoắn nhỏ sát nhau.
Về khả năng tồn tại môi trường ngoại cảnh: nói chung các Leptospira có sức đề kháng yếu. Nhưng sức đề kháng của nó cao hơn các xoắn khuẩn khác. Nó chết nhanh trong môi trường acid. Nhưng nó có thể sống tự do trong đất, trong nước ngọt và mặn (sống được hàng tháng). Đặc biệt có ánh mặt trời thì vi khuẩn rất nhanh chết.
Bệnh do xoắn khuẩn Leptospira là một bệnh nhiễm trùng cấp tính toàn thân. Bệnh có biểu hiện ở nhiều thể khác nhau từ nhiễm trùng không có lâm sàng đến bệnh biểu hiện tối cấp gây tử vong.