Chồn sương chân đen, danh pháp khoa học là Mustela nigripes là một loài chồn phân bổ chủ yếu ở khu vực Bắc Mỹ với số lượng cá thể trong tự nhiên đang ở mức thấp báo động, có nguy cơ tuyệt chủng do ảnh hưởng của việc săn bắt, khai thác tài nguyên môi trường quá đà, dịch bệnh lây lan,… Chồn sương chân đen hiện đang được bảo tồn nghiêm ngặt, đồng thời áp dụng các chính sách phục hồi giống loài. Loài chồn này có kích thước cơ thể và trọng lượng nhỏ bé hơn so với các “anh em” họ chồn khác, đặc biệt chiếc “mặt nạ đen” ở phần mắt là điểm đặc trưng để phân biệt chồn sương chân đen với các loài chồn khác. Những thông tin thú vị sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loài chồn quý hiếm này.
Mục lục
Đặc điểm của Chồn sương chân đen
Chồn sương chân đen là loài động vật thuộc Lớp Thú, có nguồn gốc phía sâu bên trong lục địa Bắc Mỹ. Chúng lần đầu tiên được phát hiện bởi hai nhà động vật học là Audubon và Bachman năm 1851. Với kích thước của một chú chồn thông thường, tuy nhiên khác với loài chồn châu Âu, sự tương phản màu sắc giữa các chi (màu đen) và trên cơ thể (màu nhạt) cùng với chiếc đuôi ngắn hơn.
Chồn sương chân đen có ít râu. Tai hình tam giác, dựng đứng. Cổ dài, chân ngắn vô cùng khỏe. Các ngón chân được trang bị bộ móng vuốt sắc nhọn. Kích thước cá thể đực có chiều dài khoảng 50-53cm, đuôi dài 11-12cm, chiều dài đuôi thường chiếm 20-25% chiều dài cơ thể. Cá thể cái có kích thước nhỏ hơn con đực khoảng 10%.
Một số thông tin cơ bản khác:
- Tên thường gọi: Chồn sương chân đen
- Tên khoa học: Mustela nigripes
- Loại:Động vật có vú
- Chế độ ăn:Động vật ăn thịt
- Cách sống:Độc lập, từng cá thể riêng lẻ
- Tuổi thọ:trung bình 12 năm
- Kích thước:Từ đầu tới thân 38-50cm; đuôi 10-12cm
- Tình trạng trong Sách Đỏ: Nguy cấp (Endangered)
Môi trường sống
Môi trường sống lịch sử của chồn chân đen bao gồm đồng cỏ cỏ ngắn, đồng cỏ hỗn hợp, đồng cỏ sa mạc, thảo nguyên cây bụi, thảo nguyên cây xô thơm, đồng cỏ núi, và đồng cỏ bán khô hạn. Chồn sương chân đen sử dụng hang động của chó đồng cỏ để nuôi con non, tránh động vật ăn thịt và che đậy nhiệt.
Tập tính
Chồn sương chân đen là loài động vật thường sống đơn lẻ trong tự nhiên, tuy nhiên dưới điều kiện nuôi nhốt, chúng sống thành đàn. Hoạt động chủ yếu về đêm, thức ăn của chúng chủ yếu là loài Cầy thảo nguyên. Loài thú ăn thịt này sống chủ yếu trên mặt đất, nơi có sự hiện diện của các loại thức ăn, khoảng thời gian mạnh nhất là cuối hè, đầu thu. Mặc dù về cơ bản khí hậu không làm hạn chế hoạt động của loài chồn này tuy nhiên chúng vẫn có thể nằm yên trong tổ trong 6 ngày liên tục vào mùa Đông.
Hành vi sinh sản của Chồn sương chân đen gần giống như loài chồn Châu Âu, chúng có giới tính lệch và đời sống tình dục khá thoáng. Thời điểm giao phối là khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm. Khi một cá thể đực và cái đang trong thời kì động dục gặp nhau, con đực sẽ tiến tới, đánh hơi cơ quan sinh dục của con cái, sau khoảng vài giờ đồng hồ “làm quen” chúng mới bắt đầu quá trình giao phối dài từ 1-3 tiếng đồng hồ.
Thời gian thai nghén của con cái là 6-7 tuần. Mỗi lứa khoảng 1-5 con non và được sinh ra khoảng tháng 5, tháng 6 trong tổ của loài Cầy thảo nguyên. Con non lớn dần và trở nên độc lập sau vài tháng, khoảng thời gian chúng tách ra sống riêng là khoảng cuối tháng 8 tới tháng 10 và trưởng thành về giới tính sau 1 năm.
Thức ăn của Chồn sương chân đen
Như đã đề cập, thức ăn chủ yếu của Chồn sương chân đen là Cầy thảo nguyên. Có tới 91% khẩu phần ăn của chồn chân đen là Cầy thảo nguyên. 10% còn lại trong khẩu phần ăn của chúng gồm các loài gặm nhấm nhỏ, bao gồm cả Lagomorphs. Tuy nhiên, thức ăn của chúng cũng sẽ thay đổi vào vị trí địa lý được phân bố. Ở một số vùng phía Tây như Utah, Montana… Loài Cầy thảo nguyên đuôi trắng thường ngủ đông trong vòng 4 tháng. Thế nên Chồn buộc phải tìm thức ăn thay thế như chuột, chuột đồng. Ngoài ra còn có thỏ, châu chấu, chim…
Tình trạng bảo tồn Chồn sương chân đen
Nguyên nhân chính khiến loài chồn này bị suy giảm quần thể, số lượng là do con người. Bao gồm việc bị thu hẹp môi trường sống, thức ăn ít dần… Điều này khiến cho tỷ lệ tử vong hàng năm của loài Chồn sương chân đen dao động từ 59-83%/năm. Tuổi thọ trung bình của loài giảm từ 12 năm xuống còn 5 năm bên ngoài tự nhiên.
Đã có lúc, loài chồn này được coi là đã tuyệt chủng. Thế nhưng, chúng dần được phục hồi số lượng nhờ những chương trình nuôi nhốt. Chồn sương chân đen được tuyên bố tuyệt chủng năm 1979. Tuy nhiên chúng được tìm thấy còn sót lại vài chục cá thể. Lúc này Mỹ đã đưa ra chương trình bảo tồn, phục hồi loài động vật này. Hiện tại có hơn 1000 cá thể với 18 quần thể khác nhau. Chúng được phân bố ở Nam Dakota, Arizona và Wyoming.
Một vài thông tin thú vị khác
– Kẻ thù của Chồn sương bao gồm các loài thú ăn thịt cỡ lớn. Ví dụ như: chó sói, đại bàng, linh miêu, rắn chuông đồng cỏ…
– Loài Cầy thảo nguyên là thức ăn chủ yếu của Chồn sương. Chúng chiếm tới 91% khẩu phần ăn hàng ngày.
– Các bộ lạc người Mỹ bản địa như Blackfoot, Sioux, Pawnee… thường bắt và dùng Chồn sương vào các nghi lễ tôn giáo và làm thực phẩm.
– Các nhà khoa học ở Mỹ đã nhân bản thành công chồn sương chân đen nguy cấp. Họ đã nhân bản từ tế bào bảo quản đông lạnh lấy từ động vật đã chết cách đây đã 3 thập kỷ.